THỂ SINH LỰC 5

Thể Sinh Lực   (tt)

 

 

Xem Thể Sinh Lực, Bài Trước  

Như vậy, hình thể là một tâm của sự sống bên trong thể sinh lực của Thực Thể - là Không Gian - nơi có sự sống linh hoạt thí dụ như một hành tinh. Điều y vậy cũng đúng cho tất cả những hình thể nhỏ hơn, như các hình thể ở trong và ở trên một cõi.

G. Hệ Thống các Huyệt

Ý tưởng căn bản ta muốn đưa ra - và ý này nằm bên dưới tất cả chỉ dạy bí truyền về sự sống biểu lộ - là mọi hình thể được cấu thành bằng nhiều hình thể khác, và tất cả sự sống - dù là tổng hợp hay độc nhất - là sự biểu lộ của một sự sống bên trong là hồn của nó. Từ đây ta nói sơ qua về một điều khác, ấy là Vị Hành Tinh Thượng Đế là sự sống mang lại hồn của địa cầu này; sự sống của ngài kết hợp địa cầu thành một tổng thể, sự sống của ngài tuôn tràn qua mọi hình thể lớn hay nhỏ, và các hình thể này họp lại tạo nên hình thể của địa cầu.
Vì vậy, ta được khuyên là hãy tưởng ra biểu tượng, rồi giữ trong trí cái ý niệm về địa cầu của chúng ta như là một hoa sen lớn có nhiều năng lực đan vào nhau, và địa cầu nằm trong hình thể lớn hơn nữa là thái dương hệ. Cái sau được mô tả trong sách vở bí truyền như là một hoa sen có mười hai cánh. Hoa sen địa cầu đáp ứng với nhiều năng lực đi vào, và ở tâm của biển năng lực mênh mông là tâm thức vũ trụ của Đấng cai quản địa cầu, mà ta biết tên là Sanat Kumara.
Nay ta bước vào một hình ảnh rộng lớn hơn với luật Tương Đồng áp dụng chặt chẽ. Ấy là;

● Ngài làm việc qua một tam giác năng lực gồm ba tâm - hay ba huyệt - nhỏ hơn, mỗi cái được một trong ba cung chính hay năng lực chính làm linh hoạt.
–  Trung tâm do cung Một hay Ý Chí hay Quyền Lực gọi là Shambala, và hoạt động chính của nó là truyền lại, phân phối và luân chuyển nguyên lý căn bản của sự sống, vào mỗi hình thể nằm trong vòng bất quá - ring-pass-not của địa cầu hay Thượng đế. Năng lực này nằm ở tâm của mọi sự sống.
–  Trung tâm thứ hai do cung Hai hay Minh Triết - Từ Ái tạo nên; đây là năng lực căn bản làm trọn vũ trụ hữu hình thành hiển hiện, vì nó là năng lực của mặt tạo hình. Ta gọi nó là Thiên Đoàn - Hierachy, vì nó là yếu tố kiểm soát chuỗi Thiên Đoàn rộng lớn. Hoạt động chính của tâm này liên hệ tới sự khai mở tâm thức của hành tinh, và do đó mọi hình thể của sự sống bên trong hay trên địa cầu.
Công việc của những Vị là thành phần của Thiên Đoàn, là làm thức tỉnh và khơi dậy ý thức và tâm thức nhậy cảm trong đáp ứng của nó với sự sống nằm trong tất cả những hình thể. Giống như hoạt động qua Shambala có thể gọi là Khoa Học của Sự Sống, thì cách Thiên Đoàn làm việc có thể gọi là Khoa Học của mối Liên Hệ. Tâm thức không phải chỉ là cảm biết về bản tính hay tự biết mình, mà nó cũng liên quan đến cảm nhận về sự liên hệ của cái ngã được nhận biết, hay cái ‘Tôi’, với tất cả những cái ngã khác.
Tâm thức đó liên tiếp phát triển, và công việc của các Vị trong Thiên Đoàn có phần việc to lớn và quan trọng, riêng cho giai đoạn này trong cuộc tiến hóa của thái dương hệ này, là khiến hết mọi đơn vị của mỗi loài trong thiên nhiên đạt tới hiểu biết về chỗ đứng, vị trí, trách nhiệm và các liên hệ. Ý này có vẻ vô nghĩa với sự sống trong loài thảo mộc hay loài vật, nhưng bạn có thể thoáng hiểu khi nhớ rằng, mầm của tất cả những trạng thái tâm thức có tiềm ẩn trong mỗi hình thể; và về điều này thì bản năng truyền giống và bản năng kết đôi là những vùng hứa hẹn lớn.
–  Trung tâm thứ ba là Nhân Loại, được cung ba Trí Tuệ Tích Cực làm thể hiện. Phần việc chính của nó là sự sáng tạo thông minh, dầu vậy nó có một hoạt động phụ là nối kết trung tâm thứ hai và thứ ba lại với nhau, và dần dần kiểm soát các loài dưới người, và liên kết chúng với nhau. Hoạt động thứ yếu này chỉ tới nay mới có tầm mức nhận biết và chú ý được.
Mỗi trung tâm trong ba trung tâm này có một tam giác chủ hay tam giác các năng lực nằm ở giữa.
●  Với Shambala, tam giác này gồm ba Vị Hoạt Phật - Pratekya Buddha (hay gọi là Độc Giác Phật), tượng trưng cho:
a. sự sống thông minh hữu thức
b. minh triết thông minh và tích cực, và
c. sức sáng tạo hữu thức, thông minh và tích cực.

●  Với Thiên Đoàn, tam giác ở giữa gồm:
a. Đức Bàn Cổ - Manu tượng trưng cho sự sống thông minh, thương yêu
b. Đức Chúa (đức Di Lặc) tượng trưng cho tâm thức thông minh, thương yêu
c. Đức Mahachohan tượng trưng cho sinh hoạt thông minh, thương yêu.
Như vậy giữa ba Vị có sự tượng trưng cho mỗi giai đoạn của sức sống nhóm, thể hiện nhóm và hành động nhóm; các đặc tính này tụ qua đức Mahachohan chính yếu vì ngài là đức Văn Minh, và các nền văn minh của nhân loại tượng trưng cho sự tăng trưởng và khai mở dần dần.
Nói thêm về trung tâm thứ ba là Nhân Loại thì phải đợi tới giống dân chót trên địa cầu, tam giác ở giữa của trung tâm này mới xuất hiện và công khai làm việc. Con người chưa sẵn sàng cho việc ấy, nhưng các vùng sinh hoạt hữu thức mà qua đó tam giác sẽ thành hình đã chuẩn bị rồi.
a. Một đỉnh của tam giác tương lai này sẽ hiện ra từ mặt chính phủ thế giới, chính trị, và thuật chính trị.
b. Một đỉnh khác sẽ hiện ra từ tôn giáo thế giới,
c. Đỉnh thứ ba sẽ ra từ vùng nói chung về kinh tế và tài chánh thế giới.
Lúc này chưa có ai như thế trên mặt đất có ý chí tinh thần, tình thương tinh thần, và óc thông minh tinh thần. Ngay cả khi nếu họ có mặt trong ba ngành này, họ cũng không thể làm được mấy điều tốt lành, vì óc nhận biết và trách nhiệm chưa được phát triển đầy đủ trong nhân loại.
Về sau họ sẽ xuất hiện và sẽ công khai liên kết với ngành của đức Bàn Cổ là chính phủ thế giới, với ngành của đức Chúa (đức Di Lặc) là tôn giáo thế giới, và ngành của đức Văn Minh về trật tự xã hội và tài chánh. Ngày giờ ấy sẽ đến, nhưng nó chỉ đến sau khi Thiên Đoàn đã hiển lộ, và công khai làm việc ở cõi trần. Khi đó, các đại đệ tử của mỗi ngành nói trên của Thiên Đoàn sẽ xuất hiện, và thử thí nghiệm việc trung ương tập quyền và thể hiện ba đặc tính của trung tâm ở giữa. Họ sẽ khám phá khi nào và liệu nhân loại có sẵn sàng cho thí nghiệm là được trực tiếp quản trị, và liệu nhân loại đã phát triển cảm nhận cần thiết về trách nhiệm - cái trách nhiệm mà sẽ sinh ra sự hợp tác.
Một thí dụ cho thấy chuyện cần thời gian cho các nhóm liên hệ phát triển đầy đủ khả năng, trước khi một việc có thể xẩy ra. Đó là khi tới lúc, sẽ có một đấng Hóa Thân - Avatar, đại diện cho đức Sanat Kumara giữa Thiên Đoàn và Nhân Loại. Vào lúc này ngay cả Thiên Đoàn vẫn chưa đủ giờ để sẵn sàng cho sự trụ lại lâu dài của Vị này. Mỗi năm, đức Phật vào dịp lễ Wesak đã tới với nhân loại, và mang theo lực của ngài Sanat Kumara cho Thiên Đoàn, nhưng - đức Phật không thể ở lại. Các Vị trong Thiên Đoàn chưa thể chịu được lâu tính chất mạnh mẽ của làn rung động qua Phật tuôn vào, ngoại trừ sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và với hình thức nhóm, và rồi chỉ diễn ra vài phút ngắn ngủi. Dầu vậy, thời gian này sẽ được dài hơn cho mỗi thế kỷ.
Tất cả những gì mà ta xem xét ở đây diễn ra bên trong thể sinh lực của địa cầu, vì tất cả những huyệt hiện hữu ở cõi ether và chỉ ở đó, và không bị ảnh hưởng bởi sự kiện là có những Vị ở Shamballa hay thuộc Thiên Đoàn có thể làm việc trong thể xác, và có những Vị không.
Ba huyệt lớn này có phần tương ứng của nó trong thể sinh lực của con người, và mỗi huyệt nơi con người có liên quan với phần tương ứng cao hơn của nó, do vậy có thể nhận ‘ấn tượng’ hay bị chi phối và được huyệt cao tương ứng với nó khơi dậy. Ta có thể ghi là:
– Năng lực của huyệt địa cầu thứ nhất là Shamballa dùng huyệt đầu, khi con người phát triển đúng mức. Huyệt này là tác nhân cho ý chí thiêng liêng bên trong đời sống của con người tinh thần. Nó chỉ tích cực hữu dụng khi con người bắt đầu học sử dụng óc trừu tượng.
– Năng lực của huyệt địa cầu thứ hai là Thiên Đoàn dùng huyệt tim nơi con người. Huyệt này là tác nhân cho tình thương thiêng liêng (biểu lộ căn bản qua thiện chí), làm việc qua linh hồn của người chí nguyện. Con người đạt tới mức này khi đã cảm nhận phần nào ảnh hưởng của linh hồn, và dần trở thành là một với nó.
– Năng lực của huyệt địa cầu thứ ba là Nhân Loại dùng huyệt cổ họng, làm việc qua phàm ngã đã hòa hợp ba phần trí, tình cảm và thể xác, và do vậy chỉ tác động khi con người đã phát triển phần nào. Huyệt cổ họng chỉ thành sáng tạo và tinh thần tích cực, khi bản tính thấp hướng phần nào về hứng khởi có tính lý tưởng; hứng khởi này không cần phải là điều thường được xem là tinh thần và sùng đạo, theo cách suy nghĩ thông thường, và do đó giam cầm đương sự. Dầu vậy nó phải là hứng khởi mà trọn con người đã hòa hợp ba thể là dụng cụ, để biểu lộ hết tất cả khả năng sáng tạo của họ.
Trong thái dương hệ này, huyệt tim thường là huyệt được khơi dậy và linh hoạt trước hết; khi huyệt có sự sống và có đôi chút sinh hoạt, hai huyệt lớn kia cũng bắt đầu tỉnh thức. Sự tương ứng được thấy qua việc Thiên Đoàn là trung gian, hay là yếu tố ở giữa hai huyệt là đầu và cổ họng, giữa Shamballa và Nhân Loại. Đó cũng là lý do có nhấn mạnh về tình thương trong mọi chỉ dạy đưa ra.
Sự phức tạp của các liên hệ này rất khó cho người mới tìm hiểu nắm được ý, nên ta không cần bận tâm cho lắm, điều quan trọng mà ta nên nhận biết chỉ giản dị như sau, cho tất cả mọi người bất kể mức tiến hóa của họ:
– Thể sinh lực của con người là một phần nội tại của thể sinh lực địa cầu, và đáp ứng với sự phân phối của nhiều năng lực luân lưu.
– Ba thành phần của con người là Chân thần, linh hồn và phàm ngã, mỗi cái liên hệ với một huyệt của địa cầu là Shamballa, Thiên Đoàn và Nhân Loại, và do đó liên hệ với ba huyệt lớn của mỗi người.
– Ba huyệt trong con người bên trên hoành cách mạc (huyệt tim, cổ họng và đầu), là ba cơ quan tiếp nhận năng lực đến từ ba huyệt của địa cầu.
– Tác nhân cho sự thanh lọc, chuyển hóa và truyền năng lực đi cho tất cả những huyệt bên dưới hoành cách mạc là huyệt đan điền (solar plexus); ấy là huyệt mà đa số nhân loại hiện giờ sử dụng. Nó là huyệt kiểm soát chính, cho cả hai việc tiếp nhận và phân phối, cho tới khi huyệt tim được khơi dậy và bắt đầu làm chủ phàm ngã.
Một điểm quan trọng cần nhớ là sự liên hệ giữa các huyệt, có nghĩa:
– Giữa những huyệt bên dưới hoành cách mạc và bên trên.
– Giữa ba huyệt chính với nhau.
– Giữa ba huyệt chính với ba huyệt địa cầu.
Ta phải nghĩ đến tất cả những điều này theo nghĩa năng lực tuần hoàn và tự do di chuyển, phân phối chính mình trong khắp cả thể sinh lực của địa cầu, và do vậy xuyên qua thể sinh lực của con người, theo mục đích chinh của Shamballa, và dưới sự chỉ dẫn của Thiên Đoàn.

H. Ashram
Như ta biết, Thiên Đoàn là Ashram của đức Chúa (đức Di Lặc) và gồm bẩy Ashram thuộc bẩy cung; ở tâm của mỗi Ashram này là một Vị Chohan, hay Chân Sư Minh Triết đứng đầu một cung, và mỗi Ashram như vậy liên kết với một hay vài Ashram phụ.
Một Ashram là nguồn phát sinh ấn tượng của Thiên Đoàn cho thế giới. Năng lực thúc đẩy và lực khơi động của nó, được hướng tới việc mở rộng tâm thức con người, qua sự sống có tính thu hút của các thành viên trong nhóm khi họ thi hành bổn phận, trách nhiệm, phần việc của mình trong thế giới bên ngoài; Ashram cũng được trợ giúp, nhờ sự rung động đều đặn của các thành viên trong đó mà không đang tái sinh, và nhờ sự suy nghĩ đoàn kết trong sáng và ý thức vững chắc của trọn Ashram.
Ai sơ cơ, như đa số người chí nguyện tuy không phải tất cả, thường say mê với sự kiện về Ashram.  Ai có kinh nghiệm hơn thì miệt mài với việc phải làm, và Ashram - như là một Ashram - chỉ đóng vai trò nhỏ trong sự suy nghĩ của họ; họ quá bận tâm với công việc trước mặt và với nhu cầu của nhân loại, của ai cần được trợ giúp nên ít khi nghĩ tới Ashram hay vị Chân Sư ở tâm của nó. Họ là một phần nội tại của tâm thức Ashram.
Các thành viên của Ashram làm thành một đường kinh hợp nhất, cho các năng lực mới mà vào lúc này đang đến với thế giới; chúng mạnh mẽ tuôn qua Ashram vào thế giới con người, xuyên qua vị Chân Sư ở tâm Ashram; chúng luân lưu vòng trong và được người tạo nên vòng ngoài hạ thấp xuống, đây là chuyện đúng và tốt; chúng bị người sơ cơ và ai mới vào đường đạo trì hoãn lại việc đi vào thế giới con người, và đây là chuyện không tốt.
Năng lực bị trì hoãn vì ai mới vào đường đạo quay lưng lại với thế giới con người, và mắt họ dán chặt vào mục đích bên trong mà không phải là việc phụng sự bên ngoài; họ ngó chăm bẳm vị Chân Sư cùng những đại đệ tử và người làm việc trong Ashram, thay vì nhìn vào khối nhu cầu của nhân loại.
Điều thiết yếu là người phụng sự ở khắp nơi - những người nam và nữ thông minh đầy thiện chí - có cái nhìn rõ ràng, tươi mới về việc phải làm, và thành điểm tiếp vận mà không là điểm trì hoãn vì tư lợi của dòng tuôn chẩy thiêng liêng. Làm vậy cần có viễn kiến và can đảm.
Họ cần có can đảm để chỉnh lại đời mình - đời hằng ngày và trong mọi mối liên hệ - hầu đáp ứng với nhu cầu lúc này và với việc phụng sự nhân loại; cần có can đảm để vì người khác giải quyết những vấn đề của cuộc sống, và để qua bên mong ước cá nhân của riêng mình vì nhu cầu và sự cấp bách hiện tại, và kiên trì làm vậy.
Tuy nhiên có nhiều điều để khích lệ người phụng sự, ngày nay nhân loại đã tiến tới mức phát triển khiến con người nắm được rõ ràng Thiên Cơ - có nhiều tên gọi như tình huynh đệ, chia sẻ, quốc tế hóa, đoàn kết, hay bất cứ tên gì bạn muốn. Đây là nhận thức đang lớn dần và là sự kiện, là nhận biết tổng quát của ai biết suy nghĩ và học hỏi huyền bí học - thế giới, của tín đồ đã giác ngộ, của chính khách có tâm hồn rộng rãi, của kỹ nghệ gia và thương gia có tầm nhìn bao trọn mọi người và ý thức về nhân quyền, và luôn cả ai ngoài phố.
Cũng có sự nhận biết rõ rệt hơn về các giá trị tinh thần, và sẵn sàng nhiều hơn để gạt bỏ chướng ngại cho việc phụng sự. Kế hoạch của đức Chúa cho việc con người thoái khỏi vô minh thành chín chắn hơn, vì chúng phải đợi tới khi ước vọng của nhân loại có khuynh hướng rõ ràng mạnh mẽ hơn; và thời đại mới, với các khả hữu tiềm ẩn của nó nay có thể thấy đang lấp ló ở chân trời, đã mất đi ảo tưởng và mơ ước viễn vông làm nó bị che khuất nhiều năm trước. Tất cả những điều này là thách đố cho người chí nguyện. Họ phải làm chuyện chi ?
Người chí nguyện phải dùng hết sức mình như họ là vào bất cứ lúc nào, với bất cứ dụng cụ nào, và trong bất cứ khung cảnh nào; họ tiến hành việc đặt con người mình, công việc và thì giờ của mình cho nhu cầu thời đại - nhất là khi có khủng hoảng của nhóm, quốc gia hay thế giới. Khi họ làm vậy trong tâm thức mình, và do vậy suy nghĩ theo đường lối của giá trị chân thực, họ sẽ khám phá là những vấn đề riêng của họ sẽ được giải quyết, khả năng của họ sẽ gia tăng và giới hạn của họ không còn được nhớ tới. Họ bước vào chỗ đứng của mình vói những ai ý thức nhu cầu của chu kỳ đang tới, một chu kỳ mà các ý tưởng và lý tưởng mới phải được nhấn mạnh và phải tranh đấu cho chúng.
Theo đó, những kế hoạch rộng lớn hơn cho sự tốt đẹp của toàn khối phải được hiểu, đồng ý và kêu gọi, viễn ảnh mới và rõ ràng hơn cho cuộc sống con người phải được thấy rõ, và sau hết được thực hiện, và một chu kỳ mà trọn nỗ lực của tất cả thành viên của Nhóm Mới Người Phụng Sự Thế Giới, phải hiến cho việc tháo bỏ gánh nặng của nhân loại.
Có một chú ngữ huyền bí thể hiện thái độ này - thái độ của người chí nguyện đang gắng sức, cố công hợp tác với người khác, nối kết chủ ý của Thiên Đoàn với ước vọng của nhân loại và do đó mang con người đến gần hơn mục đích của mình. Chủ ý của Thiên Đoàn là gia tăng khả năng có tự do để hoạt động hữu hiệu với ‘sự sống phong phú hơn’ mà đức Chúa (đức Di Lặc) sẽ mang tới, sự sống ấy đòi hỏi tinh thần con người phải được tự do - tự do tiến đến thiêng liêng và cũng tự do chọn con Đường tới đó.
Chú ngữ có tên ‘Lời Xác Định của Người Đệ Tử’. Nó gồm có sự nhìn nhận trong tâm và chấp nhận, mà ai có trực giác được khơi dậy đủ sẽ cảm biết ngay, nhưng bất cứ học viên thành tâm nào cũng có thể hiểu, nếu thấy lời kinh thu hút họ vì có ý nghĩa và đáng cho họ gắng công.
Tôi là một điểm của ánh sáng bên trong một Sự Sáng lớn hơn.
Tôi là một dòng năng lực thương yêu bên trong một suối của Tình Thương thiêng liêng.
Tôi là một điểm của ngọn Lửa hy sinh, tụ bên trong Thiên Ý bừng bừng.
Và tôi đứng như thế.
Tôi là một con đường mà người ta có thể theo đó đạt thành.
Tôi là một nguồn sức mạnh, cho phép họ đứng vững.
Tôi là một luồng sáng, chiếu rọi đường của họ.
Và tôi đứng như thế.
Và đứng như thế, suy xét.
Và đi con đường này, con đường của con người,
Và biết những đường lối của Thượng Đế..
Và tôi đứng như thế.

Kết
Để kết thúc, ta tóm lược vài ý chính của bài. 
● Ý quan trọng nhất là ‘Trên sao, dưới vậy’, thấy qua cấu tạo:
– Bốn chất ether thuộc cõi trần địa cầu và bốn chất ether vũ trụ thuộc cõi trần vũ trụ.
– Bẩy cõi địa cầu và bẩy cõi vũ trụ.
và nhiều điều khác.
●  Chỉ có Một Sự Sống trong mọi sinh vật, linh hoạt trong mọi hình thể, do đó
●Không hề có sự chia rẽ, phân cách, tách biệt giữa các phần tử trên địa cầu.
● Điều quan trọng nhất có lẽ là ý ‘Huyền bí học làm việc với lực’, và mỗi chúng ta vào mỗi lúc dùng lực hoặc hữu ý hoặc vô ý thức, và do vậy sinh ra hệ quả dù biết hay không.
●Nhìn huyệt theo nghĩa năng lực,
● Cho một cái nhìn cao hơn, rộng lớn hơn về phận sự, vị trí của thể sinh lực trong sự sống chung.
Khi viết tới đây, tác giả là đức D.K. nói điều làm chúng ta cảm thấy yêu mến ngài hơn. Ngài viết là biết rất rõ chúng ta có thể nghĩ điều ngài cho ra là chuyện hết sức tào lao - veriest nonsense - vì không có cách nào để ngài có thể chứng minh cho ta thấy, hay làm sao ta có thể kiểm lại và xác nhận điều ngài viết. Dầu vậy, chuyện tương tự là ta cũng không sao xác quyết là đức Sanat Kumara hiện hữu, nhưng sự kiện đã được hằng triệu người chấp nhận từ lâu. Ý muốn nói mỗi người tin nhiều hơn họ có thể chứng tỏ hay xác quyết.

Theo:
Telepathy – A.A.Bailey